Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đều ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023.
Nội dung chính:
- 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm hơn 13% so với cùng kỳ.
- Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong 2 tháng đầu năm 2023 trong khi giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 5 tháng liên tiếp tính đến hết tháng 2.
- Xuất khẩu của Thái Lan đang chậm lại nhưng xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng khi tăng trưởng bùng nổ trong tháng 1/2023.
Dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 2, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn giảm 13,2% so với cùng kỳ, ước đạt 96 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu giảm 10,4% và nhập khẩu giảm 16%.
Điểm sáng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm là cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD vào cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, “điểm sáng” này thực tế đến từ sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu do nhu cầu sản xuất, nhập khẩu máy móc và hàng hóa tiêu dùng suy yếu.
Giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đều sụt giảm so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tại các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, mức giảm lên tới hai chữ số.
“Thực tế sự sụt giảm xuất khẩu không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn ở các nhà xuất khẩu lớn khác của châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc và Việt Nam” – Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế tại Economist
Intelligence Unit cho biết.
Xuất nhập khẩu Trung Quốc giảm trong 2 tháng đầu năm
Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại tháng 1 và tháng 2 kết hợp nhằm giải quyết những sai lệch gây ra bởi Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 1.
Theo đó, xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay đạt 506 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ, thu hẹp so với mức giảm 9,9% hồi tháng 12/2022. Nhập khẩu cũng giảm hơn 10,2% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh hơn so với tháng 12/2022 (giảm 7,5%).
Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 năm qua.
Xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc bắt đầu sụt giảm so với cùng kỳ từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Iris Pang – nhà kinh tế trưởng của ING Greater China cho biết: “Do lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu tại các khu vực này sẽ tiếp tục suy yếu. Điều này làm giảm đơn đặt hàng ở Trung Quốc”.
“Tính theo USD, nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu, cho thấy nhu cầu yếu ở cả thị trường trong và ngoài nước” – Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China nhận định.
Tương tự, nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận phần lớn các lĩnh vực xuất khẩu chính đều sụt giảm hai chữ số so với tháng 12/2022.
Số liệu từ Bộ Tài chính Đài Loan cho thấy xuất khẩu tháng 1 của Đài Loan đạt hơn 31,5 tỷ USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ. Trong khi nhập khẩu giảm 16,6% so với tháng 1/2022, xuống còn 29,17 tỷ USD.
Bộ Tài chính Đài Loan nhận định các đơn hàng xuất và nhập khẩu sụt giảm chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến số ngày làm việc trong tháng 1 ít hơn và độ trễ theo mùa. Cơ quan này cho rằng còn quá sớm để nói liệu xuất khẩu của Đài Loan có thể phục hồi trong thời gian tới hay không. Bất chấp nhu cầu về máy tính hiệu năng cao, chip ô tô và các ứng dụng mới, động lực kinh tế toàn cầu vẫn yếu do những bất ổn địa chính trị và hậu COVID.
Hàn Quốc thâm hụt thương mại 12 tháng liên tiếp
Dữ liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho thấy các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 2/2023 đã giảm 7,5% so với cùng kỳ, đạt 50,1 tỷ USD.
Xuất khẩu của Hàn Quốc đã có chuỗi giảm 5 tháng liên tiếp, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế nước này có thể tiếp tục suy giảm trong quý đầu tiên của năm nay.
Giá trị xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 24,2% trong khi xuất khẩu sang 10 nước thành viên ASEAN giảm 16,1% so với tháng 2/2022. Cán cân thương mại của nước này đã thâm hụt trong 12 tháng liên tiếp với mức thâm hụt lũy kế hơn 18,6 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc qua từng tháng. (Nguồn: Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc)
Oh Jung-geun – giáo sư kinh tế tại Đại học Konkuk cho biết: “Xu hướng suy giảm của xuất khẩu rất đáng lo ngại, đặc biệt khi doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc không có dấu hiệu phục hồi vào thời điểm hiện nay”. Đồng thời, lưu ý rằng Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhiều năm qua – chỉ mới mở cửa trở lại trong vài tháng gần đây.
Xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng của Thái Lan
Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sinit Lertkrai cho biết giá trị xuất khẩu tháng 1/2023 đạt hơn 20 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Ông Sinit Lertkrai cho biết lạm phát tăng cao đã khiến nhiều đối tác thương mại trì hoãn việc đặt các đơn hàng mới. Hoạt động sản xuất toàn cầu thu hẹp, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu các sản phẩm hóa chất và máy móc của Thái Lan. Theo đó, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều giảm.
Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu của nước này lại tăng 5,5% với tháng 1/2022 do các chuyến hàng nhiên liệu đến tăng vọt, dẫn đến thâm hụt thương mại 4,65 tỷ USD – mức cao nhất trong một thập kỷ.
Ông Sinit Lertkrai cho biết Bộ Thương mại nước này đã chuẩn bị khoảng 450 hoạt động xúc tiến xuất khẩu cho năm 2023. Các hoạt động này sẽ tập trung vào những thị trường tiềm năng bao gồm Trung Đông, Nam Á, khu vực CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam và Trung Quốc.
Điểm sáng của xuất khẩu Thái Lan đến từ gạo. Tháng 1/2023, xuất khẩu gạo của nước này đạt 805.519 tấn, tăng 75,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các đơn hàng từ cuối năm 2022, nhu cầu từ Trung Đông tăng và đồng baht yếu đi.
Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Ronnarong Phoolpipat chỉ ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông do sức mua cao và sản lượng nông nghiệp tại một số quốc gia Ả Rập đang ở mức thấp.
Phusit Ratanakul Sereroengrit – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế dự báo xuất khẩu Thái Lan sẽ tiếp tục chậm lại trong nửa đầu năm và bật tăng vào nửa cuối năm nay.