UPS: Giá trị thương mại của Việt Nam trong Asia-12 có thể đạt 465 tỉ USD năm 2030



Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tự động hóa đang chiếm 21% giá trị giao thương của Việt Nam với khu vực. Ảnh: BCP.

UPS đánh giá Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trở thành một công xưởng sản xuất quan trọng trong khu vực. Trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ còn gia tăng vị thế hơn nữa với dự báo tăng trưởng giá trị thương mại với các thành viên trong khu vực Asia-12 tăng từ 326 tỉ USD (năm 2020) lên 465 tỉ USD vào năm 2030.

 

Theo đó, bốn nhóm ngành thúc đẩy sự gia tăng thương mại trong khu vực Asia-12 bao gồm bán lẻ, sản xuất công nghiệp và tự động hóa, công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe. Tại Việt Nam, năm 2020, các lĩnh vực này chiếm 82% giá trị thương mại với các nước còn lại trong khu vực Asia – 12 (Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan).

Theo UPS, nhóm ngành công nghệ cao đang đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực nhập khẩu khi chiếm 43% giá trị giao thương của Việt Nam với khu vực nội Á, giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong tương lai nhờ gia tăng số hóa tại các quốc gia thuộc Asia-12.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tự động hóa đang chiếm 21% giá trị giao thương của Việt Nam với khu vực và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ sự hỗ trợ của chính phủ trong việc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho phép các doanh nghiệp Việt tiếp cận với nhiều thị trường xuất khẩu và hàng tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu các rào cản thương mại.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế mà Việt Nam cần cải thiện để tăng giá trị giao thương như cơ sở hạ tầng ngành logistics phân tái. Theo đó, các doanh nghiệp có lợi ích thương mại tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, số hóa toàn diện và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng khu vực.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và một trong những nhận định mà nghiên cứu này nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tận dụng được tiềm năng của thương mại Nội Á trong thập kỷ tới”, ông Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam chia sẻ.

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

Hoạt động thương mại của 12 thị trường trọng điểm châu Á (Asia-12) chiếm 88% giá trị khu vực Nội Á và có thể đạt 13,5 nghìn tỉ USD năm 2030.